Sau gần 5 năm thành lập, trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động có tính đột phá với mục đích biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học Hà Tĩnh lần thứ II, nhiệm kì 2010-1015 đã xác định: “Từng bước nâng cao chất lượng cho các hệ đào tạo.

Học sinh, sinh viên được đào tạo từ Trường Đại học Hà Tĩnh phải có phẩm chất chính trị vững vàng, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chất lượng chuyên môn cao, không những có khả năng tìm việc làm mà còn có khả năng tạo ra được việc làm trong thị trường lao động đầy biến động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Quán triệt tinh thần đó, trong thời gian qua, Trường hết sức quan tâm đến  các hoạt động nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên, nhất là các kiến thức kinh tế, kỹ thuật – công nghệ, tự nhiên, xã hội, kỹ năng viết và trình bày ý kiến, kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng làm việc độc lập,  kỹ năng làm việc theo nhóm, xử lý tình huống, giao tiếp, gắn học tập với lao động sản xuất, gắn lý thuyết với thực tiễn,giúp sinh viên nâng cao năng lực hoạt động xã hội. Trong các hoạt động đó  có 2 hoạt động nổi bật là sinh viên nghiên cứu khoa học và gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi và làm quen với doanh nghiệp.

Sau khi được thành lập, trường Đại học Hà Tĩnh trên cơ sở ổn định và phát triển những mã ngành đã đào tạo như sư phạm, kinh tế.., trường rất chú trọng đến nhiệm vụ đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để phục vụ cho các chương trình kinh tế lớn của tỉnh và của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Đó là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Đây là một trong những nét mới của trường trong gần 5 năm qua.

            Năm học 2011-2012 là năm học có ý nghĩa hết sức to lớn đối với gần 300 cán bộ, giảng viên và 9000 học sinh, sinh viên, đây là năm học mà lứa sinh viên đại học đầu tiên của Nhà trường tốt nghiệp, góp phần bổ sung nguồn lao động trình độ cao cho tỉnh nhà và trong cả nước, là sản phẩm chào mừng 5 năm thành lập Trường. Nhà trường luôn quán triệt tinh thần chủ đề năm học “Đẩy mạnh đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội” và giao nhiệm vụ cho các đơn vị đào tạo trong toàn trường xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện thật tốt nhiệm vụ năm học. Trước mắt, tập trung bồi dưỡng năng lực chuyên môn, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, chuẩn bị thật tốt tâm thế cho sinh viên thực tập tốt nghiệp.

            Đối với các khoa sư phạm, ngay từ tháng 10/2011, các khoa đã tổ chức học tập, quán triệt Điều lệ các trường phổ thông, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, các khoa đã tổ chức cho sinh viên tập giảng dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cuối học kì 1, các khoa tổ chức thao giảng và thi Nghiệp vụ sư phạm. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sống cho sinh viên ... Trung tâm Tin học – Ngoại ngữ - Kỹ năng mềm của Trường đã tổ chức mời các hiệu trưởng, các nhà giáo dục có kinh nghiệm nói chuyện chuyên đề về đổi mới quản lý, nội dung và phương pháp dạy học, giúp sinh viên có nhiều thông tin, kinh nghiệm trước khi về các trường phổ thông thực tập.

            Trong đợt thực tập sư phạm tập trung vừa qua, 63 đoàn thực tập của trường được các cơ sở thực tập đánh giá cao về ý thức trách nhiệm, ý thức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, lên lớp chững chạc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được các em vận dụng hiệu quả. Đánh giá sơ bộ về đoàn thực tập tại trường THPT Hồng Lam, cô giáo Võ Thị Thuần, Phó Hiệu trưởng cho biết: “Ý thức trách nhiệm, tình yêu nghề nghiệp của các sinh viên rất tốt, mặc dầu đã đánh giá cuối đợt nhưng hằng ngày sinh viên vẫn bám lớp, xin tiếp tục được dự giờ, tình nguyện ở lại tham gia cùng Đoàn trường tổ chức các hoạt động nhân 81 năm ngày thành lập Đoàn 26-3. Về chuyên môn, sinh viên rất chăm chỉ soạn bài, tập giảng, vì vậy khi lên lớp các sinh viên đều chững chạc, tự tin, phương pháp sư phạm tốt. Đặc biệt là môn Anh văn, sinh viên đã sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học rất hiệu quả mà ngay cả một số giáo viên lâu năm của chúng tôi cũng chưa làm được như vậy. Chúng tôi đã hướng dẫn nhiều đoàn về trường THPT Hồng Lam thực tập nhưng đây là đoàn đầu tiên chúng tôi nhận thấy được đào tạo một cách bài bản, sinh viên được giáo dục đạo đức nghề nghiệp chu đáo như vậy”.

            Nhà trường thành lập các đoàn kiểm tra tham gia cùng đoàn kiểm tra thực tập của Ban chỉ đạo thực tập cấp tỉnh, đã đi đến tất cả các cơ sở thực tập. Tâm sự với chúng tôi, Thầy giáo Chu Văn Quýnh, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: “Vì cái duyên với nghề dạy học, vì trách nhiệm với ngành mà tôi cùng với Hội đồng giáo dục nhà trường đã trực tiếp hướng dẫn giúp đỡ sinh viên qua từng tiết dạy, sửa chữa từng câu, từng chữ khi lên lớp. Bồi dưỡng thế hệ nhà giáo trẻ là trách nhiệm của chúng ta”.

            Song song với rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên sư phạm, rèn luyện nghề nghiệp cho sinh viên ngoài sư phạm được nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp là điều kiện đảm bảo cho đào tạo tồn tại và phát triển. Trong quá trình đào tạo, ngoài kiến thức chuyên môn, nhà trường rất chú trọng tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng mềm, CNTT và ngoại ngữ. Khoa Kinh tế - QTKD và khoa Kỹ thuật – Công nghệ đã tổ chức các Hội nghị “Sinh viên với doanh nghiệp”, “Hội chợ sinh viên”, “Sinh viên nghiên cứu khoa học”... tạo diễn đàn để các sinh viên làm quen với việc vận dụng lý luận vào thực tiễn. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với Giám đốc các doanh nghiệp giỏi trong nước. Tại các lớp Khởi sự doanh nghiệp như vậy sinh viên được các giám đốc, các nhà quản lý giỏi hướng dẫn, truyền đạt nhiều vấn đề thực tiễn rất bổ ích.

            Khoa Kỹ thuật – Công nghệ đã liên hệ và đặt vấn đề với các doanh nghiệp có sử dụng và sản xuất phần mềm, quản trị mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế hệ thống…để sinh viên có điều kiện thực tập tốt, đã cử các thầy, cô giáo có chuyên môn giỏi phụ trách từng nhóm để giúp sinh viên giải quyết những vướng mắc về chuyên môn, đặc biệt khoa rất quan tâm đến việc thực tập cho các sinh viên nước bạn Lào.

Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề khó, nhưng sử dụng nhân lực sau đào tạo cũng không phải là điều dễ dàng. Trong thời gian qua, nhà trường đã có các chương trình hợp tác trao đổi, gặp gỡ với các cơ quan sử dụng lao động để có thể giúp sinh viên khi ra trường có cơ hội sớm tìm được việc làm. Qua đợt thực tập, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề với Trường sẵn sàng nhận sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh về doanh nghiệp làm việc.

            Tuy nhiên, một khó khăn lớn cho các khoa ngoài sư phạm như khoa Kinh tế - QTKD, Kỹ thuật – Công nghệ là số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Tĩnh chưa nhiều, nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, đây thực sự là một khó khăn lớn.

Mặc dù mới được thành lập, còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, thiết bị và kinh nghiệm, nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, trường Đại học Hà Tĩnh với sự nổ lực, tự đổi mới mình, năng động, sáng tạo, chắc chắn rằng trong thời gian tới trường Đại học Hà Tĩnh sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh giao phó.